Những nguy hiểm tiềm ẩn khi bạn lái xe đường tuyết
Vì vậy trước khi đi lên vùng có tuyết, bạn hãy chuẩn bị thật kĩ càng để chuyến đi an toàn và có nhiều ý nghĩa. Tôi có thể đưa ra một số lời khuyên như sau:
Chưa có nhiều kinh nghiệm lái đường tuyết, lốp không phải loại 4 mùa mà các bạn tài xế Việt Nam vẫn săn tuyết rất hào hứng.
Những ngày gần đây rất nhiều người đổ lên Sapa hay Lạng Sơn xem tuyết rơi. Đẹp thật đấy, nhưng hy vọng các bạn đảm bảo các điều kiện an toàn cho chính mình và người thân. Bên cạnh nhiều bức ảnh băng tuyết đẹp, là không ít xe bị tai nạn dọc đường.
Lái xe dưới trời băng tuyết chưa bao giờ là việc dễ dàng, cho dù bạn là tay lái kinh nghiệm đến đâu đi chăng nữa. Không chỉ là bản thân chiếc xe phải phù hợp với việc hoạt động trên mặt đường trơn trượt, trang bị các phụ kiện cần thiết, mà chính người lái cần cần phải có nhiều kĩ năng cần thiết.
Cách đây 4 năm, tôi sống tại thành phố Denver thuộc tiểu bang Colorado, Mỹ. Denver rất đặc biệt, cao một dặm so với mặt nước biển và có đến 300 ngày nắng trong một năm. Nhưng đây lại rất nhiều tuyết. Bạn sẽ thường xuyên thấy tình trạng vừa tuyết vừa nắng tại đây.
Khi sống tại Denver, tôi được “cảnh báo” trước về tình trạng phải lái xe dưới trời tuyết. Đó là lí do mà khi chọn xe, tôi chọn một chiếc Mini Countryman bản All4 (dẫn động bốn bánh) và loại lốp All-Season (có thể đi cả mùa hè và mùa đông).
Cầm lái chiếc xe này làm tăng sự tự tin của tôi, vì nhà sản xuất quảng cáo rằng Mini sử dụng hệ dẫn động 4 bánh All4 – thừa hưởng công nghệ từ xDrive của BMW.
Nhưng có lẽ tôi đã nhầm. Một buổi chiều đầy tuyết, khi đang lái xe trên đường và phía trước có đèn đỏ, theo bản năng, tôi đạp phanh và chiếc xe vẫn trôi như một “vận động viên trượt băng”. Tôi hoàn toàn mất kiểm soát và đâm vào phía sau chiếc Hyundai Sonata. Rất may vận tốc không cao, nên chiếc Sonata chỉ bị hơi xước ở vỏ. Công ty bảo hiểm thanh toán “hộ” 500 USD tiền sửa xe cho anh chàng kia.
Sau ngày hôm đó, tôi gần như thay đổi hoàn toàn nhận thức về việc lái xe trên tuyết và thấy rằng nó không hề đơn giản như mình nghĩ. Luôn hạn chế ra đường vào những ngày tuyết lớn, nếu phải ra đường thì đi với tốc độ rất chậm (20-30 km/h).
Nhưng tuyết rơi là còn bình thường đấy, những ngày sau đó mới thực sự là địa ngục. Tuyết tan ra, đường phố rất bẩn và lầy, nhưng vẫn không nguy hiểm bằng khi tuyết tan và đóng thành băng. Lúc đó thì các xe chuyên dụng (SUV hoặc bán tải hạng nặng, có gắn lốp mùa đông) hoạt động vẫn còn khó khăn huống hồ gì xe bình thường.
Sau này, tôi có dịp chạy chiếc BMW M6 trong một chuyến đi “xuyên bang” từ Denver, Colorado sang Las Vegas, thuộc tiểu bang Nevada. Đây là một chuyến đi thú vị, có cơ hội được thưởng thức thiên nhiên kỳ vĩ của nước Mỹ. Trong 3 ngày ngắn ngủi, tôi trải nghiệm từ vùng núi non hiểm trở cho đến sa mạc mênh mông, từ các miền quê yên bình cho đến đô thị sầm uất.
Trong một ngày, tôi lái xe qua 4 loại thời tiết – xuân, hạ, thu, đông. Lúc đó là tháng 2, tại Denver đang là mùa xuân với một màu xanh non của cây cỏ. Khi lên đến núi cao, đó là mùa đông với tuyết rơi kín trời. Xuống đến sa mạc giáp ranh giữa các vùng núi như mùa thu với gió hiu hiu và cây cối khẳng khiu. Còn đến Las Vegas thì hẳn là mùa hè rồi vì nóng lắm.
Kể lại chuyện đi dưới trời tuyết trên đỉnh núi trong chuyến đi đó. BMW M6 là một chiếc xe thể thao với hiệu năng cao: động cơ V8 dung tích 4,4 lít, công suất 575 mã lực, dẫn động cầu sau và lốp thể thao (tất nhiên chỉ chạy được mùa hè và đường thuận lợi). Cầm lái M6 trên cung đường xuyên bang của Mỹ thì rất thích, nhưng đó cũng là lí do mà tôi cảm thấy run sợ khi nhìn thấy tuyết, điều không tính trước khi thực hiện chuyến đi này.
Tuyết rơi dày đặc, một mình một đường, bên là núi và bên là vực, tôi chỉ dám đi 20, cùng lắm là 25 km/h. Xung quanh cũng không có ai, lỡ rủi có bị làm sao thì không biết cầu cứu như thế nào. Sóng điện thoại cũng không có. Dò dẫm 4 tiếng đồng hồ trong thời tiết như thế, ngoài trời âm 10-15 độ C, mà toát mồ hôi hột trong xe. Mắt lúc nào cũng phải căng ra để nhìn đường. Chỉ khi thấy đường nhẵn và nhìn rõ mặt đường, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Mà bên Mỹ họ quan tâm đến hạ tầng cũng rất tốt, có những ngày tuyết rơi trắng trời mà sáng hôm sau thấy đường khô re. Hóa ra là đêm họ cho người đi rải muối hoặc cào tuyết hết sang hai bên vệ đường, để ngày hôm sau người dân đi được an toàn. Trong thành phố đã đành, họ còn xử lý cả hàng ngàn km đường cao tốc và xử lý hàng ngày, quả là đáng khâm phục.
Vì vậy trước khi đi lên vùng có tuyết, bạn hãy chuẩn bị thật kĩ càng để chuyến đi an toàn và có nhiều ý nghĩa. Tôi có thể đưa ra một số lời khuyên như sau:
1. Kiểm tra lại lốp xem là loại lốp gì, lốp hiệu năng cao (Performance tire) hay mùa hè (Summer Tire) hay mùa đông (Winter Tire) hay bốn mùa (All-Season Tire). Nếu là lốp Winter và All-Season thì có thể đi được.
2. Kiểm tra lại hệ dẫn động của xe. Hệ dẫn động bốn bánh sẽ tốt hơn là cầu trước hoặc cầu sau.
3. Kiểm tra lại độ mòn của lốp. Nếu lốp của bạn sắp phải thay thế (mòn quá nhiều) thì nên nghĩ lại.
4. Nắm rõ lộ trình chuyến đi của mình.
5. Kiểm tra lại đèn sương mù, nó rất quan trọng để chiếu sáng được đường đi sát phía xe. Đèn sương mù ánh sáng vàng sẽ tốt hơn ánh sáng trắng.
6. Chuẩn bị một số dụng cụ để cứu hộ và giúp xe thoát khỏi những cái bẫy trên đường, ví dụ như cáp kéo, hoặc thanh gỗ ván để chèn lốp xe.
7. Lên công tác tư tưởng cho chính mình và người thân về một chuyến đi lí thú nhưng cần tập trung cao độ.
8. Tuyệt đối không đi tiếp nếu thấy quá nguy hiểm, đặc biệt là lúc đường đóng băng.
9. Đừng quên chuẩn bị những loại nước uống tăng lực hoặc cafe giúp tỉnh táo khi lái.
Chúc các bạn có những chuyến đi thưởng ngoạn tuyết an toàn!
Leave a Reply